Bộ tộc không có “quả phụ”, nữ giới ít nhất phải kết hôn 3 lần
Bộ tộc Newar là một trong những bộ tộc cổ xưa nhất ở Nepal. Từ xưa đến nay, con gái bộ tộc này không bao giờ trở thành “góa phụ” bởi vì trước khi 10 tuổi, các bé gái đã phải trải qua một lễ cưới rất đặc biệt.
Trước lúc các cô gái bộ tộc biết yêu, họ sẽ được tổ chức đám cưới lần thứ nhất, người chồng đầu tiên này sẽ cùng họ trưởng thành, không bao giờ rời xa, đến chết cũng không đổi; người chồng thứ hai thì giúp họ học cách vượt qua bóng tối, lột xác trở thành một người phụ nữ.
Hôn nhân lần thứ nhất: Đám cưới với quả quách (Bel)
Những cô gái ở bộ tộc này trước khi đến tuổi trưởng thành sẽ kết hôn với một loại trái cây, tượng trưng cho tình yêu thủy chung và hôn nhân lâu bền, hơn nữa hôn lễ còn được thần linh chúc phúc, nhưng chú rể lại là một quả quách, hôn lễ được gọi là “Ihi”.
Người Newar rất coi trọng quả quách, vì đây là loại quả có vỏ cứng, để vài tháng cũng không hỏng nên tượng trưng cho một hôn nhân vĩnh cửu. Quả quách này sẽ ở bên cạnh cô gái, cả đời không rời, sau khi cô gái trưởng thành kết hôn cùng đàn ông khác, người ta lại coi đó mới là hôn nhân hư ảo và ngắn ngủi.
“Đám cưới quả quách” thường là hôn lễ tập thể, các thiếu nữ trang điểm ăn mặc như cô dâu, mặc đồ màu đỏ, long trọng gả cho quả quách. Hôn lễ kết thúc, cha mẹ sẽ gói “chú rể” trong một tấm vải đỏ, để các cô gái cất kỹ trong người, làm bạn cả đời với mình.
Trong mắt người của bộ tộc, hôn nhân thế tục chỉ là ngắn ngủi hư ảo, mà kết hôn với quả quách cứng chắc lại tượng trưng cho hôn nhân vĩnh hằng. Sau này các cô gái dù có được người khác yêu thương mình hay không, họ cũng đã có chỗ nương tựa từ lâu, đồng thời cũng học được quý trọng chính mình.
Hôn nhân lần thứ hai: Kết hôn với thần Mặt Trời
Sau “Ihi”, vào lần đầu tiên có kinh nguyệt, các cô gái sẽ đón hôn nhân lần thứ hai trong đời mình, trải qua 11 ngày dưới hầm lò tối tăm.
Hôn lễ lần này, các cô gái phải ở trong căn phòng không có ánh sáng, tối tăm đến nỗi đưa tay không thấy được năm ngón, cô gái phải ở đó 11 ngày, trong suốt quá trình không được ra khỏi phòng, không được để đàn ông nhìn thấy, ăn uống thì do người phụ nữ lớn tuổi trong nhà chuẩn bị.
Mãi đến ngày thứ 12 trước khi Mặt trời mọc, họ thức dậy, tắm rửa sau đó mặc trang phục truyền thống và đeo trang sức, cô gái được người nhà bịt mắt và dẫn lên sân thượng. Khi những tia nắng đầu tiên ló rạng, cô gái được cởi bịt mắt và tiến hành nghi lễ với Thần Mặt Trời.
Trong khoảng thời gian sống trong bóng tối, các cô gái trải qua thử thách dưới hầm lò, học cách một mình đối mặt với cô đơn lạnh lẽo và nội tâm sợ hãi. Họ sẽ hiểu rằng, trên con đường nhân sinh đằng đẵng, gặp phải khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Cô gái bước ra khỏi bóng tối, hoàn thành lễ tẩy rửa thiêng liêng, đồng thời lột xác thành người phụ nữ. Tương lai, họ sẽ dùng tư cách một người phụ nữ trưởng thành, đón hôn nhân thứ ba trong đời, cùng người đàn ông kết làm vợ chồng.
Hôn nhân lần thứ ba: Gả cho một người đàn ông
Trải qua 2 lần lễ tẩy trần của hôn nhân, các cô gái học được cách quý trọng chính mình, biết đối mặt với cô độc. Sau này, nếu họ tìm được người như ý, dưới sự làm chứng của cha mẹ và người thân thì có thể kết hôn. Sau khi trải qua hôn lễ lần thứ ba này, cô gái đã chính thức trở thành một người vợ.
Các cô gái sẽ không làm “quả phụ”, bọn họ có quả quách tượng trưng cho người chồng vĩnh viễn. Tương truyền, nếu người phụ nữ bộ tộc cảm thấy hôn nhân không hạnh phúc, họ sẽ đặt quả quách bên gối của chồng, ý là muốn chia tay. Nếu như người chồng qua đời, họ chỉ cần đặt quả quách bên cạnh di thể chồng mình là có thể tái giá.
Dù là hôn lễ với quả quách hay tập tục sống dưới hầm lò, đều dạy cho các cô gái học cách yêu lấy chính mình, hiểu được giá trị tồn tại của mình trên thế giới này, không sợ đối mặt sóng gió và khó khăn, bởi vì khi bóng tối qua đi, sẽ là lúc đón ánh mặt trời rạng rỡ.