Ngựa Ferghana – Hãn huyết bảo mã, giống ngựa ra mồ hôi đỏ như máu huyền thoại

Ngựa Ferghana – Hãn huyết bảo mã, giống ngựa ra mồ hôi đỏ như máu huyền thoại

2000 năm về trước, hai binh đoàn Trung Hoa vượt chặng đường hơn 10.000 dặm tới đất nước Đại Uyên (Ferghana). Họ tới đây hòng tìm kiếm “thiên mã”, loài ngựa mà họ xem là thiên hạ đệ nhất. “Thiên mã” từ vùng thảo nguyên Trung Á chính là chủng ngựa Nisean mà người phương Tây miêu tả, tổ tiên của ngựa Turkoman (ngựa Đột Quyết) và Akhal-Teke ngày nay.

Ngựa Akhal Teke

Nguồn cung cũng như chất lượng ngựa chiến luôn là vấn đề nan giải với các đế chế Trung Hoa. Thời nhà Hán, hàng loạt chiến dịch tấn công Hung Nô ở biên giới phía bắc làm cho nhu cầu chiến mã gia tăng liên tục. Điều này khiến triều đình phải nhập khẩu ngựa từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Với tham vọng xây dựng một lực lượng kỵ binh “bất khả chiến bại” , dễ dàng đè bẹp kỵ binh Hung Nô, vào năm 139 TCN, Hán Vũ Đế sai Trương Khiên đi xứ tới Nguyệt Chi để thành lập liên minh, đồng thời tìm kiếm ngựa thần Đại Uyên trứ danh.

Đại Uyên nằm ở phía bắc Bactria (Đại Hạ), giữa thung lũng Ferghana thuộc Trung Á. Quốc gia này tồn tại ngay thời điểm nhà Hán bành trướng phạm vi ảnh hưởng của mình về phía Tây. Với danh tiếng của mình, ngựa Đại Uyên nhanh chóng trở thành mặt hàng nhập siêu của nhà Hán. Trước tình hình đó, những nhà cai trị Đại Uyên lập tức cho đóng cửa biên giới, ngừng giao thương với nhà Hán. Không thể tiếp tục mua ngựa, nhà Hán khởi binh tiến đánh Đại Uyên. Năm 102 TCN, sau khi hủy diệt Đại Uyên, nhà Hán thu về khoản chiến lợi phẩm gồm 3000 “thiên mã” loại trung, cùng với 10 “thiên mã” loại tốt để nhân giống. Thế nhưng, gần như không có bất cứ miêu tả nào về ngựa thần Đại Uyên được các nhà sử học ghi chép trong các tác phẩm như “Sử ký” hay “Hán thư”. Do đó, có giả thuyết cho rằng “thiên mã” chưa từng được sử dụng trong bất kỳ cuộc chiến nào của quân Hán.

Akhal-Teke màu kem ở châu Âu

“Thiên mã” xuất hiện trên gốm sứ, bích họa Trung Hoa, tiền Đại Hạ đều có bộ chân tương đối ngắn. Chúng luôn được miêu tả là rất khỏe và dai sức. Do có mồ hôi đỏ đặc trưng, nên người Trung Hoa còn gọi chúng là “Hãn Huyết Mã” (ngựa có mồ hôi như máu).

Về nguồn gốc “mồ hôi đỏ” của ngựa Đại Uyên, các nhà nghiên cứu hiện đại đưa ra hai giả thuyết khác nhau. Giả thuyết thứ nhất cho rằng đây thực ra là những mạch máu nhỏ dưới da ngựa, bị vỡ khi ngựa phi những cú nước đại dài. Giả thuyết còn lại có vẽ hợp lý hơn, hiện tượng “mồ hôi đỏ” do loại giun tròn ký sinh có danh pháp Parafilaria multipapillosa gây nên. Parafilaria multipapillosa phân bố rộng khắp miền thảo nguyên nước Nga, chúng ký sinh vào các mô dưới da của loài “Hãn Huyết Mã”. Các nốt sần trên da lở loét, chảy máu thường xuyên, thậm chí chảy rất nhiều, tạo nên một hiện tượng mà giới khoa học gọi là "chảy máu mùa hè."

NGOÀI LỀ

Trong lịch sử Việt Nam, có một số con ngựa nổi tiếng được cho là hãn huyết mã:

Ngựa Xích Kỳ vốn là ngựa của Chân Lạp, tức Campuchia. Con ngựa quý này là giống hãn huyết mã, mình đỏ rực đuôi đen tuyền, mồ hôi có màu máu, vua Miên tặng Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, khi Nguyễn Văn Tuyết mưu hành thích, nhưng không thực hiện được vì quân lính canh gác quá kỹ liên nhảy lên lưng Xích Kỳ phóng đi. Con ngựa này về sau đã cùng Đô đốc Tuyết, ra đánh đuổi quân Thanh trong trận Đống Đa, làm nên nhiều kỳ tích. Ngoài ra còn có ngựa Ngân Câu của Bùi Thị Xuân là người ưa cưỡi ngựa nên bà sở hữu thần mã Ngân Câu–Huyết hãn mã (tên tục là Kim). Ngựa lông toàn sắc trắng, vóc to, sức mạnh phi thường, có khả năng đặc biệt là đi trong đêm tối

Nguồn: Trần Phương Anh

Trang Web Chia Sẻ Thông Tin Có Thể Bạn Chưa Biết Về Con Người, Thực Vật, Động Vật, Khoa Học, Thế Giới Tâm Linh, Phong Tục, Sức Khỏe.